Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi mầm non có vai trò rất quan trọng, tác động mạnh đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất và trí tuệ. Tham khảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non dưới đây.
Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ mầm non
Chế độ dinh dưỡng của trẻ có thể ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển cũng như thói quen ăn uống của trẻ trong những năm tháng sau này. Vì vậy, thực hiện xây dựng thực đơn hàng ngày cho trẻ rất cần được cha mẹ quan tâm và tìm hiểu thêm kiến thức. Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ cần đảm bảo:
- Khẩu phần ăn phải cung cấp đầy đủ năng lượng cho trẻ mỗi ngày để trẻ có thể tham gia tất cả mọi hoạt động từ sinh hoạt, học tập đến vui chơi. Cha mẹ cần cung cấp cân đối các nhóm chất cơ bản bao gồm protein, glucid, lipid, vitamin và chất khoáng, chất xơ.
- Khẩu phần ăn cần được thực hiện đa dạng mỗi ngày giúp kích thích khẩu vị của trẻ và giúp trẻ có thể ăn nhiều hơn và ngon miệng hơn.
- Xây dựng khẩu phần ăn theo mùa và phù hợp với sở thích của trẻ. Cha mẹ nên ưu tiên sử dụng thực phẩm theo mùa nhằm đảm bảo đa dạng, chất dinh dưỡng và đặc biệt vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Cha mẹ có kiến thức sẽ giúp lựa chọn thực phẩm an toàn cho trẻ. Bởi vì, hệ tiêu hoá của trẻ ở độ tuổi này vẫn nhạy cảm với những tác hại xung quanh môi trường nên cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, không chứa hoá chất bảo vệ thực vật gây hại đến sức khỏe.
Tham khảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Trẻ mầm non thuộc độ tuổi đang ở trên đà phát triển nhanh cả về trí tuệ và thể chất, cha mẹ cần lưu ý rất nhiều trong việc lựa chọn thực phẩm và theo dõi quá trình ăn uống của trẻ.
Một số loại thực phẩm nên sử dụng cho trẻ mầm non:
- Sữa và các sản phẩm thực phẩm được chế biến từ sữa: Một ngày trẻ cần đảm bảo đủ 4 đơn vị sữa trong đó có thể bao gồm sữa nước, sữa chua, pho mai, váng sữa… để giúp bổ sung canxi và các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể trẻ.
- Rau xanh, trái cây: cung cấp hàm lượng vitamin, chất khoáng và chất xơ theo nhu cầu khuyến nghị cho trẻ. Phần lớn các trẻ ở độ tuổi này khá lười ăn rau nên cha mẹ cần linh hoạt trong chế biến và tạo mọi điều kiện để trẻ có thể sử dụng rau củ một cách thoải mái.
- Các chất béo lành mạnh: bao gồm chất béo không no bão hoà đơn và chất béo không no bão hoà đa như dầu thực vật, dầu oliu, bơ, phô mai… nhằm giúp cho trẻ phát triển trí não toàn diện hơn.\
- Chất đạm: nằm ở tầng thứ 4 của tháp dinh dưỡng mầm non. Đạm gồm 2 loại: đạm động vật (các loại thịt, hải sản, trứng,…) và đạm thực vật (các loại hạt). Đạm từ thực vật sẽ tốt hơn tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý sử dụng cân đối giữa hai loại đạm này. Một ngày trẻ mầm non cần tiêu thụ khoảng 3,5 đơn vị đạm, ứng với mỗi đơn vị là khoảng 31g thịt lợn, 42g thịt gà, 47g trứng, 35g cá.
- Nước: nằm ở tầng dưới cùng của tháp dinh dưỡng cho thấy mức độ rất quan trọng, nước giúp duy trì ổn định của các chức năng và thể chất, điều hoà thân nhiệt,…, trên tháp thể hiện trẻ mầm non nên uống 1,3 lít nước/ngày (lượng nước này đã bao gồm sữa, nước lọc và nước trái cây) tương ứng với 6 bình nước 220ml. Tuy nhiên vào các đợt nắng nóng, phụ huynh nên cho trẻ uống thêm nhiều nước hơn.
Một số loại thực phẩm không nên sử dụng cho trẻ mầm non:
- Đồ uống có gas và thực phẩm chứa nhiều đường có thể khiến cho trẻ bị tăng cân mất kiểm soát đồng thời trẻ còn mắc các bệnh về răng miệng.
- Các loại thực phẩm ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ…
- Các món ăn quá cứng như ngô, mía, hạt bánh kẹo cứng có thể ảnh hưởng đến hàm răng của trẻ.
Trên đây là những chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non mà các ba mẹ cần biết. Cuối cùng, chúc các ba mẹ sẽ xây dựng cho con 1 chế độ dinh dưỡng phù hợp để bé khỏe mạnh và phát triển tốt.