Có rất nhiều phương pháp dạy trẻ chậm phát triển khiến cho cha mẹ hoang mang không biết phương pháp nào là phù hợp và hiệu quả nhất đối với trẻ. Dưới đây là các phương pháp dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ mẹ cần biết.
Đánh thức chức năng các giác quan
Bước đầu tiên trong việc dạy trẻ chậm phát triển là đánh thức lại các chức năng cơ bản ở trẻ đó chính là giác quan. Một số trẻ thường có dấu hiệu chậm nói, tương tác kém hay cử động khó khăn, vì vậy hãy luyện tập cho trẻ như sau:
- Về thị giác: Tập cho trẻ cách nhìn đồ vật ở mức độ từ gần đến xa, nhận biết hình dáng, màu sắc, kích thước, đặc điểm, cha mẹ có thể áp dụng đối với các đồ vật, con vật thân thuộc trong nhà.
- Về thính giác: Luyện cho trẻ cách lắng nghe và nhận biết âm thanh, âm thanh ấy từ đâu? Của cái gì, con gì hay của người nào?
- Về xúc giác: Thường xuyên cùng trẻ tập luyện bằng cách cho trẻ cầm, nắm, sờ các đồ vật hoặc con vật. Khơi gợi để trẻ hiểu tính chất của vật đó là như thế nào, cứng hay mềm, nóng hay lạnh, đặc biệt trong quá trình trên cần theo dõi phản ứng các cơ mặt của trẻ.
- Về khứu giác: Cho trẻ ngửi các mùi đặc trưng mức độ giảm dần sau mỗi ngày.
- Về vị giác: Khi cho trẻ ăn, cha mẹ có thể cho trẻ thử các vị để theo dõi phản ứng của trẻ, đầu tiên hãy cho trẻ thử vị đắng vì đây là vị mà lưỡi con người nhạy cảm nhất, sau đó là các vị còn lại như ngọt, chua, mặn…
Khơi gợi thao tác tư duy
Đặc tính của trẻ chậm phát triển là khả năng tư duy kém hơn các em bé bình thường. Chính vì vậy, khơi gợi tư duy sẽ kích thích não bộ của trẻ hoạt động trở lại. Hai phương pháp gợi mở tư duy cơ bản cho trẻ đó chính là so sánh và phân tích.
Với so sánh, cha mẹ hãy cùng trẻ tìm các điểm giống nhau, khác nhau (về màu sắc, kích thước, khối lượng) của đồ vật hoặc con vật, chỉ cho trẻ thấy rõ đâu là điểm giống và đâu là sự khác biệt. Về phân tích, giúp trẻ tìm hiểu kết cấu tạo nên sự vật như các bộ phận trên cơ thể, cấu tạo của thực vật. Thường xuyên kết hợp giữa so sánh và phân tích sẽ giúp trẻ nâng cao tư duy.
Hướng dẫn trẻ thực hiện nhiệm vụ được giao
Đây là phương pháp cần được các bậc phụ huynh áp dụng thường xuyên để duy trì sự kết hợp giữa vận động và tư duy cho trẻ. Khi trẻ không hiểu nhiệm vụ, hãy kiên nhẫn giải thích và cùng trẻ thực hiện nhiệm vụ đến khi thành công.
Cha mẹ nên đề ra những nhiệm vụ rõ ràng, vừa sức từ đơn giản đến phức tạp, hoặc có thể chia nhỏ các nhiệm vụ cho trẻ thực hiện. Đừng quên hỗ trợ trẻ bằng cách dùng những từ ngữ, hình ảnh liên quan đến nhiệm vụ để gợi ý, khi trẻ đã nắm bắt được hãy giảm dần sự hỗ trợ theo thời gian.
Vật lý trị liệu cho trẻ chậm phát triển
Phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng trong trường hợp trẻ gặp phải một số vấn đề về khả năng di chuyển hoặc việc phối hợp giữa các bộ phận.
Mục đích của việc tiếp cận bằng phương pháp này nhằm tập trung vào việc cải thiện kỹ năng vận động thô và cân bằng, cân bằng và phối hợp, sức mạnh và sức chịu đựng. Kỹ năng vận động bao gồm các hoạt động sử dụng các cơ của cơ thể như lăn, bò, đi bộ, chạy nhảy, khả năng cầm đũa, thìa hoặc nhặt và sắp xếp đồ chơi.
Phương pháp vật lý trị liệu cho trẻ chậm phát triển nhằm mục đích thúc đẩy sự độc lập của trẻ, tăng sự tương tác trong gia đình, trường học và cộng đồng, tạo điều kiện cho sự phát triển của các cơ và cải thiện sức mạnh.
Trên đây là một số phương pháp dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ nhằm giúp các bậc phụ huynh có định hướng đúng đắn trong việc nuôi dạy trẻ, đồng thời hỗ trợ trẻ hoàn thiện các kỹ năng cơ bản, có khả năng hòa nhập, thích nghi với cuộc sống một cách tốt nhất.